Ngày 18 tháng 1 năm 1894
Xử tử Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh
Trà Vinh – Máy chém đặt chờ Thày Thông Chánh thọ hình
Thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh tại Trà Vinh, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Thầy được học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Latinh từ nhỏ nên khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, thầy được mời ra làm thông ngôn. Trong cuộc sống, thầy là một công chức mẫn cán. Thấy vợ thầy rất đẹp, viên biện lý người Pháp là Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, ngày 14- 5-1893, thầy Thông Chánh đã dùng súng giết chết viên biện lý thực dân nên bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án từ hình ngày 19-6-1893 và bị xử tử ngày 18-1-1894 tại Trà Vinh (1).
Thơ Thầy Thông Chánh là một truyện thơ dân gian, do một người không rõ tên ở Trà Vinh sáng tác và được truyền khẩu khá rộng rãi ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, mặc dù luôn gặp phải sự cấm đoán của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ.
Chuyện thầy Thông Chánh nổ súng giết chết Biện lý Jaboin tại Trà Vinh trở thành một sự kiện gây chấn động dân chúng vì không còn là câu chuyện về một vụ án ghen tuông mà nó được lưu truyền trong dân như một sự phản của người bản địa đối với kẻ chiếm đóng qua truyện thơ khuyết danh “Thơ Thầy Thông Chánh” (2).
Còn có một tài liệu khác của Pháp (3) cho biết Thày Thông Chánh đã có 6 năm ở Pháp nên nói tiếng Pháp thông thạo. Mọi tường thuật cho thấy tử tù rất bình tĩnh đón nhận cái chết. 6 giờ sáng ngày hành hình ( theo tài liệu này là ngày 16-1-1894), Thày Thông Chánh chia tay người thân một cách bình tĩnh, vỗ về vợ con và nhắn nhủ mẹ già. Trước khi đưa đầu vào máy chém, Thày Thông Chánh còn mỉm cười và nói lớn bằng tiếng mẹ đẻ : “Các đồng bào của tôi ! hãy ở lại và mạnh khỏe, tôi đi đây” (Mes compatriotes, restez et portez-vous bien, moi je m’en vais). Và cũng tài liệu này cho biết Thày Thông không chỉ bắn chết Biện lý Jaboin mà còn làm bị thương M.Bouquet, một quan chức (administrateur) tỉnh Vĩnh Long.
Một điều đáng nói là cuộc hành hình được thực hiện bằng máy chém (guillotine), một cách thi hành án tử mới mẻ với dân chúng bản xứ, cho nên được người tường thuật mô tả là “một cuộc xử chém tối hiện đại” (une exécution plus moderne) (4). Người điều hành máy chém là một cựu y sĩ Nhà thương Chợ Quán ở Sài Gòn rất say mê với công việc này đã bỏ nghề cứu người với mức lương 4000 F để làm nghề giết người (đao phủ) với mức lương chỉ 3000 F và chém mỗi cái đầu được thù lao thêm 30 đồng Đông Dương (piastre). QXN/ 7-2021