Quyển “Khải Định- Hình ảnh và Sự kiện” cho biết, chuyến đi của vua Khải Định cùng thái tử Vĩnh Thụy bắt đầu từ ngày 15/5/1922, và kéo dài đến ngày 10/9/1922. Chuyến đi được sử sách thời nhà Nguyễn gọi là “Ngự giá như Tây”, nhân dịp nước Pháp tổ chức hội chợ Thuộc địa tại thành phố Marseilles. Sự góp mặt của nhà vua nước An Nam cũng là cách để thực dân Pháp tuyên truyền cho sự thành công của chế độ bảo hộ họ đặt ra ở Đông Dương. Vua Khải Định cũng nhân chuyến đi này để gửi gắm Thái tử Vĩnh Thụy cho cựu Khâm sứ Trung kỳ Charles để du học tại Pháp. Tham dự chuyến hành trình có hai đại thần, văn là Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài và võ là Trung quân Đô Thống Nguyễn Hữu Tiến. Ngoài ra còn có quan thông dịch Thái Văn Toản (sau này là Thượng thư Bộ Lại), các quan tùy tùng, thị vệ. Hành trình của nhà vua được kể lại như sau: Đi xe lửa từ Huế vào Đà Nẵng, xuống tàu Claude-Chappe vào Sài Gòn, sau đó chuyển sang tàu Porthos để sang Pháp. Chuyến hải trình ghé qua nhiều bến, từ Singapore, Colombo, Djibouti, Ismailia. Đến cảng Marseille ngày 21/6/1922, vua được Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương ra đón. Sau khi tạm nghỉ ở Lyon, vua Khải Định được đưa lên tàu về đến ga Bois de Boulogne sáng 24/6. Ngày 25/6, vua Khải Định và Bộ trưởng Sarraut đến viếng Nghĩa sĩ từ, là ngôi đền làm kiểu đình làng Việt, thờ những người Việt hy sinh vì nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tối 26/6, Tổng thống Pháp Alexandre Millerand mở tiệc mừng vua Khải Định tại cung điện Elysee. Ngoài tiệc chính thức do nhà nước Pháp khoản đãi, vua Khải Định cũng đi xem đua ngựa với vợ chồng Tổng thống Pháp, thăm Hội địa lý Paris, viếng mộ Chiến sĩ vô danh ở Khải hoàn môn… Ngày 10/8, vua Khải Định đi thăm Hội chợ Marseilles và hôm sau, lên tàu Angers về nước. Tàu về đến Vũng Tàu ngày 6/9, vua về Sài Gòn nghỉ tại Phủ toàn quyền, sau đó tiếp tục đi tàu Anger về đến Đà Nẵng ngày 10/9.
Tổng kết chuyến đi của vua Khải Định, tác giả Võ Hương An cho rằng: “Chuyến đi không đạt được kết quả nào về ngoại giao, việc chữa bệnh cũng không xong, lại bị kiều dân đả phá thậm tệ”. Và “ở đâu trên lãnh thổ thuộc Pháp cũng được đón rước trọng thể đúng nghi lễ ngoại giao, không đến nỗi tổn thương quốc thể, dù mang thân phận bảo hộ. Ít ra thì vua Khải Định cũng lập được một kỷ lục là vua Việt Nam đầu tiên du hành xa nhất và lâu nhất ngoài lãnh thổ!”.