Pierre Paul Rheinart des Essarts, sinh ngày 1/11/1840 ở Charleville-Mezières ( Ardennes, Pháp), xuất thân là đại úy Thủy quân lục chiến, được bổ nhiệm làm Thanh tra Bản xứ vụ Nam Kỳ, rồi Công sứ Hà Nội. Từ năm 1875 đến năm 1889, ông Rheinart được cử đến Huế làm việc 5 lần:
1. Lần thứ nhất (25/7/1875 – 14/12/1876): Vào triều vua Tự Đức, Rheinart được cử làm Xử lý thường vụ (Chargé d’Affaires) phụ trách thi hành Hòa ước Giáp Tuất (1874). Ông đã chọn đất và xây dựng tòa Khâm sứ Huế. Sau đó ông cáo bệnh xin về Pháp chữa trị, ông Philastre làm thay.
2. Lần thứ hai (28/6/1879 – 1/10/1880): Rheinart trở lại thay Philastre và khi ông về Pháp nghỉ phép thì ông De Champeaux làm thay.
3. Lần thứ ba (15/8/1881 – 30/3/1883): Rheinart trở lại thay De Champeaux, ông không dung hòa được với triều đình Huế nên rút lui toàn bộ Sứ quán và về Pháp.
4. Lần thứ tư (28/5/1884 – 22/10/1884): Sau khi vua Tự Đức băng hà; nước Nam trải qua các triều vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và đã ký với Pháp các Hòa ước Quý Mùi (Harmand -1883), Giáp Thân (Patenôtre -1884); Rheinart được cử làm Tổng trú sứ (Résident Général) Bắc và Trung Kỳ đóng ở Huế, phụ trách thi hành Hòa ước Giáp Thân (Patenôtre -1884). Rheinart chiếm đóng đồn Mang Cá và cùng với đại tá Guerrier, trung tá Mallarmé đại diện cho chính phủ Pháp làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi. Rheinart bị triệu hồi về Pháp, vì ông là Tổng trú sứ Bắc và Trung Kỳ nhưng chỉ ở cấp bậc Trung tá, mà phải truyền lệnh cho Thiếu tướng Brière de l’Isle Tổng tư lệnh quân viễn chinh Bắc Kỳ là điều trái ngược trong quân đội. Ông Lemaire là nhân vật dân sự được cử làm thay.
5. Lần thứ năm (15/11/1888 – 26/4/1889): Vào triều vua Đồng Khánh, ông trở lại chức vụ Tổng trú sứ (Résident Général) Bắc và Trung Kỳ. Sau khi vua Đồng Kháng băng bà, ông cùng với Richaud (Toàn quyền Đông Dương), Boulloche (Chánh văn phòng tòa Khâm sứ) đại diện cho chính phủ Pháp làm lễ phong vương cho vua Thành Thái.
Sau đó ông về Pháp nghỉ hưu và không quay lại Đông Dương nữa. Vào tháng 1 năm Kỷ Sửu – 1889, ông Rheinart được vua Thành Thái phong tước Hộ Quốc quốc công rồi thăng làm Lượng Quốc quận vương và tặng Kim bài, Ngọc khánh, Kim khánh. Tháng 1 năm Giáp Ngọ – 1894; triều đình Huế cử phái đoàn do Chánh sứ Nguyễn Trọng Hợp, Phó sứ Lê Bảng và Bồi sứ Tôn Thất Thiệm dẫn đầu sang Pháp thông hiếu; vua Thành Thái sai viết thư và dặn phái đoàn phải tới nhà thăm ông Rheinart. Ông mất ngày 15/2/1901 tại Paris, thọ 61 tuổi.
Nguồn tham khảo chính:
1. Đại Nam Thực Lục – Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
2. Tập san B.A.V.H. các tâp III, IV, XXVIII, XXX – năm 1916, 1917, 1941, 1943; bản tiếng Việt.